II. Địa lý và quốc hiệu

Diện tích lãnh thổ và quốc hiệu thay đổi nhiều lần trong lịch sử dân Việt.

Địa bàn sinh hoạt căn bản là vùng châu thổ Bắc Việt, định giới bởi Bắc Sơn và Hoà Bình.

Vào niên đại vua Kinh Dương, năm 2879 tr.D.L., với quốc hiệu Xích Quỷ, địa bàn quốc gia rộng lớn, phía bắc tới sông Dương tử (cả vùng hồ Động Đình), phía nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía đông là Đông Hải (một phần của Thái Bình Dương), phía tây là Ba Thục (Tứ Xuyên, thuộc nước Tàu ngày nay). Về sau do sự lấn áp võ dõng của du mục Hoa tộc, Việt tộc lui dần về địa bàn gốc. Đánh dấu bằng các niên đại vua Hùng với tên nước là Văn Lang. Năm chót của niên đại này là năm 257 tr.D.L. Rồi tên nước liên tiếp thay đổi và địa bàn quốc gia bành trướng về phía nam. Tên nước gọi là Việt Nam có từ năm 1802. Địa bàn quốc gia hiện tại, bắc giáp Trung Hoa, nam là mỏm Cà Mâu giáp biển đông, tây giáp Ai Lao và Cam Bốt, đông giáp biển đông.