I. Giai Đoạn Đấu Tranh Đẫm Máu

Giai đoạn này bắt đầu vào khoảng giữa năm 1955 trên toàn thể miền Bắc với những trường hợp sau đây: 

- Khu rừng núi không có cải cách ruộng đất (xem bản đồ đính kèm) 

- Vùng đồng bằng sông Nhị Hà trước kia chưa có đấu giảm tô, thì trong giai đoạn này cả hai cuộc "đấu tranh giảm tô" và "đấu tranh Cải Cách Ruộng Đất" được xúc tiến cùng một lượt (xem bản đồ). 

Như đã trình bày trước đây, thể thức đấu tranh cải cách ruộng đất cũng giống như đấu tranh giảm tô, chỉ khác ở mức độ tàn bạo gia tăng và con số nạn nhân cũng gia tăng do sự "càn đi quét lại" và "kích tỷ lệ". 

Điểm căn bản là sau cuộc cải tạo nông nghiệp ruộng đất cũng như gia tài sản nghiệp của địa chủ bị tịch thu và được chia cho nông dân nghèo. Đây chính là cái mồi ngon cuối cùng mà đảng dành cho nông dân suốt trong những giai đoạn đấu tranh đã qua. 

Cuộc đấu tranh cải cách ruộng đất được Trung Ương Đảng giao cho Trường Chinh lãnh đạo qua một Trung Ương ủy viên phụ trách là Hồ Viết Thắng; dưới trung ương có các đoàn cải cách ruộng đất cho mỗi tỉnh và dưới đoàn có các đội cải cách ruộng đất cho mỗi xã. Các đội và đoàn đều trực tiếp nhận lệnh của trung ương mà không cần qua ủy ban hành chánh địa phương. Nguyên tắc chọn lựa các đội viên của đội cải cách ruộng đất phải là những thành phần cốt cán, bần cố nông, là đảng viên trung kiên đã chiến đấu trong bộ đội. Đấy là các đội viên của đợt đầu tiên cải cách ruộng đất. Sau mỗi đợt, lại có một số thành phần cốt cán bần cố nông khác được bồi dưỡng để trở thành đội viên các đợt sau. Do đó càng về sau, chính sách cải cách ruộng đất càng khốc liệt bởi phần đông đội viên toàn là những người trẻ tuổi, cuồng tín được bồi dưỡng tư tưởng đấu tranh giai cấp để căm thù thật sự; và cũng do đó mà vào năm 1956, đợt Cải Cách Ruộng Đất được phát động lấy tên là đợt Tổng tấn công Điện Biên Phủ đưa số người bị tàn sát lên đến 10 ngàn người, riêng trong đợt này; đội cải cách ruộng đất trở thành một công cụ khủng bố ghê gớm khiến nhân dân đồng thanh coi là "nhất đội nhì trời" mỗi khi đội về làng. Sở dĩ có sự tàn sát ghê gớm như vậy, vì chiến thuật kích tỷ lệ (nâng tỷ lệ) của Việt cộng. Thí dụ: cứ mỗi xã có 100 gia đình thì dù đủ hay không đủ, có hay không có, đội cải cách ruộng đất của xã đó phải tìm cho ra ít nhất là 5 gia đình địa chủ (tỷ lệ 5%) nếu hơn càng tốt, và trong số 5 gia đình này phải quy cho được 2 gia đình là cường hào ác bá để xử tử. Nếu đội không làm đủ tiêu chuẩn tỷ lệ sẽ bị phê bình là thiếu ý thức đấu tranh giai cấp, công tác kém, v.v.... 

Cuộc "phóng tay phát động quần chúng đấu tranh cải cách ruộng đất" còn là cơ hội để đảng thực hiện một cuộc thanh trừng quy mô nội bộ Đảng cũng như hàng ngũ kháng chiến, sau khi thực dân Pháp đã bị đánh bại. Và theo chính sự thú nhận của Việt cộng khi có chính sách sửa sai, trong cuộc thanh trừng này có tới 23 ngàn đảng viên trung kiên bị "chết oan" , ngoài ra còn bao nhiêu ngàn đảng viên "không trung kiên" bị chết "một cách đích đáng" thì không thấy có tài liệu chính thức nào của đảng ghi chép cả. 

Khi cuộc cải cách ruộng đất lên tới mức độ tàn bạo nhất, tức là đợt cải cách Điện Biên Phủ, rất nhiều người thuộc thành phần trung nông, tiểu thương bị "kích" lên thành địa chủ phản động và bị đem đấu tố. Thê thảm hơn nữa là những cán bộ cao cấp có công với kháng chiến mà cũng bị kết tội là cường hào ác bá và có chân trong tổ chức Quốc Dân Đảng. Nhân chứng Nguyễn Văn Thân mô tả một cuộc đấu tố chụp mũ như sau: 

...."Cuộc đấu tố điển hình nhất mà tôi được dự là lần đấu ông Nguyễn Văn Đô, bí thư huyện ủy tại Ô Cầu Giấy ngoại thành Hà Nội..." ...."Nạn nhân Nguyễn Văn Đô là bí thư huyện ủy, rất có công với kháng chiến nhưng lại bị kết tội là cường hào ác bá và có chân trong tổ chức Quốc Dân Đảng. Chủ tịch đoàn nói rằng ông lợi dụng chức vụ của Đảng hoạt động cho Quốc Dân Đảng. Người đứng kể tội là một nông dân trước kia đi chăn ngựa cho ông Độ Một cụ già khác lên tố về việc cướp đất ruộng nương và cô con gái của ông lên đấu tố là đã bị ông cưỡng hiếp tất cả là 117 lần, v.v.... Đến khi ông Đô được phép lên phát biểu ý kiến nhận tội, ông đã cứng cỏi trả lời: Ông không phải là Quốc Dân Đảng, ông chỉ làm việc cho Bác cho kháng chiến mà thôi Ông trả lời cô con gái là: "Thưa bà, bà còn quên đấy, tôi đã hiếp cả mẹ bà để đẻ ra bà nữa". Câu trả lời này làm mọi người phải bật cười và làm đấu trường mất vẻ tôn nghiêm, chủ tịch đoàn vội vàng hô khẩu hiệu "đả đảo tên Đô ngoan cố" để đàn áp và che lấp tiếng nói của ông này. Sau đó họ không cho ông nói tiếp. Họ nghị án và quyết định xử tử ông ngay tại chỗ. Cuộc đấu này kéo dài từ 5 giờ sáng tới 13 giờ, tức 1 giờ trưa mới xong". (Nguyễn Văn Thân) 

Rất nhiều cựu cán bộ cộng sản có tham dự cuộc cải cách ruộng đất đều thắc mắc không hiểu ẩn ý của Đảng khi thẳng tay triệt hạ chính những cán bộ Đảng cao cấp và trung kiên, và triệt hạ luôn cả cơ cấu tổ chức Đảng ở nông thôn, thay vào đấy bằng những thanh thiếu niên bần cố nông từ 15 tới 18 tuổI. Rất nhiều người thắc mắc không hiểu Đảng vô tình hay cố ý giết oan người của Đảng. 

Nhưng nếu người ta có cơ hội nghiên cứu kỹ cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông, thì ẩn ý của Đảng trở thành rõ rệt. Đó là chủ trương đấu tranh liên tục trong nội bộ cộng sản bằng những cuộc thanh trừng đẫm máU. Đảng phải luôn luôn đào thải những cán bộ đảng viên cũ không thuộc thành phần vô sản, những người đã lỗi thời, có thể trở thành nguy hiểm cho đảng vì đã trau dồi những kinh nghiệm đấu tranh, đã có khả năng lãnh đạo, có uy tín, nắm vững tình hình Đảng, quy tụ được thế lực mạnh, và có thể phản Đảng. Thay vì dùng nghị đình, thông tư, sự vụ lệnh để thải hồi những phần tử này, Đảng đã mượn tay quần chúng nông dân để tiêu diệt cho hết hậu họa. Kết quả là chính nạn nhân của cải cách ruộng đất cũng không biết được thâm ý của "Hồ chủ tịch" và của "Đảng", mà tưởng rằng cấp dưới làm sai, nên có người khi chết còn tung hô "Hồ chủ tịch". 

II. Phản Ứng Của Nhân Dân Đưa Đến Quyết Định Sửa Sai 

Mức độ sắt máu của Cải Cách Ruộng Đất đã được chính những tên thợ thơ nô dịch của Việt cộng cổ võ để nịnh Đảng và nạt dân. Tố Hữu, một cán bộ lạnh đạo văn hóa của Việt cộng miền Bắc viết bằng một giọng khát máu: 

"Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong, Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít ta lin... bất diệt." 

Còn Xuân Diệu cũng cuồng say với cuộc đấu tố bằng những vần thơ như sau: 

Địa hào đối lập ra tro Lưng chừng phản động đến giờ tan xương Thắp đuốc cho sáng khắp đường, Thắp đưốc cho sáng đình làng đêm nay. Lôi cổ bọn nó ra đây Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi.

(trích Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, trang 22 và 23) 

Nhưng những vụ tàn sát của Cuộc Cải Cách Ruộng Đất đã gây xúc động công phẫn mãnh liệt ở khắp mọi nơị Mặc dầu dân chúng chưa võ trang nổi dậy quy mô, nhưng những vụ phục kích giết cán bộ đấu tố và những vụ chém giết giữa bần cố nông và thân nhân của người bị đấu tố đã xảy ra thường xuyên. Những người bị đẩy đến bước đường cùng đã liều mạng một sống một còn với kẻ thù của mình, bất chấp những đe dọa của Đoàn Cải Cách Ruộng Đất. 

Đúng vào lúc đó, Đại Hội Đảng Liên Xô lần thứ 20 đã đem lại một biến cố làm chấn động dư luận thế giới và có ảnh hưởng đến tình hình Việt cộng miền Bắc. Ngày 20 tháng 2 năm 1956, Krushchev đọc bài diễn văn trong Đại Hội Cộng Đảng, công khai lên án bản chất khát máu của Satalin qua những vụ thủ tiêu hàng vạn đảng viên đối lập đồng thời tiết lộ nhiều tội lỗi khác của Stalin, kể cả tội bắt dân Nga sùng bái cá nhân của Stalin như một vị thánh sống. 

Cũng trong Hội Nghị lần thứ 20, Cộng Đảng Liên Xô đã sửa đổi "chủ thuyết Stalin" bác bỏ chủ trương quá khích của Stalin đòi hỏi "Cách mạng phải bạo động và càng tiến tới xã hội chủ nghĩa thì đấu tranh giai cấp càng quyết liệt". 

Việc hạ bệ Stalin và việc thay đổi đường lối chính sách tại Liên Xô chỉ là một sách lược lừa địch và dụ khị địch. Trên phương diện đối nội, sau khi lật đổ Beria và Malenkov, phe của Krushchev có nhu cầu đánh gục "bọn tàn dư" của khuynh hướng Stalin để củng cố quyền lực cho phe phái của mình, chứ không hề có ý định thực hiện những cải cách dân chủ. 

Trên phương diện đối ngoại, sách lược dụ khị của Krushchev nhằm quảng cáo cho món hàng "sống chung hòa bình", lôi kéo một số quốc gia Á Phi vào một khối trung lập thân cộng gọi là "Phi Liên Kết", đồng thời mở đầu cho giai đoạn "Hòa Dịu" nhằm ru ngủ các cường quốc Tây phương nhất là Hoa Kỳ, với mục đích chính: Mượn tiền và kỹ thuật Tây phương để phát triển kinh tế và kỹ thuật Liên Xô, tạo nên phong trào đòi giảm vũ trang tại các nước Tây phương, trong khi Liên Xô ngấm ngầm sản xuất vũ khí hạch tâm chiến lược nhằm đánh thắng trong một cuộc chiến tranh hạch tâm. 

Với thâm ý như trên, Krushchev phái Nikoyan sang Hà Nội để giải thích cho Hồ Chí Minh và Việt cộng miền Bắc, về nhu cầu sách lược "xét lại". Vào lúc đó, Hồ Chí Minh tâm sự với đàn em rằng "Khí thế của cuộc đấu tranh cải cách ruộng đất đang phừng phừng bốc cháy, không lẽ lại dội một gáo nước lạnh vào đầu cán bộ và anh em nông dân". Vì thế Việt cộng miền Bắc vẫn bít kín không phổ biến "chính sách mới" của Liên Xô. Tuy nhiên đứng trước những phản ứng bạo động của nhân dân, cũng như những bất mãn của tầng lớp trí thức đã từng tham gia tích cực ủng hộ Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vào tháng 3 năm 1956, Hồ Chí Minh đã phải chuẩn bị kế hoạch dừng tay.

Những biến cố trên thế giới và phong trào chống đối trong nước liên tiếp đánh mạnh vào uy tín của Hồ Chí Minh và giới đầu lãnh Việt cộng. Ngày 26 tháng 5 năm 1956, Mao Trạch Đông công bố chính sách "Bách Gia Tranh Minh, Bách Hoa Tề Phóng" nghĩa là các môn phái tư tưởng được mặc sức phát biểu ý nghĩ của mình như trăm thứ hoa đua nở. Với chính sách mới, giới trí thức Trung Quốc được "mở mồm nói trong phạm vi có sự kiểm soát của Đảng". 

Ngày 28-6-1956 công nhân Ba Lan sát cánh với sinh viên bviểu tình ở Poznan chống lại chế độ độc tài và đòi Tự Do, cơm áo. Ngày 23-10-1956 công nhân Hung Gia Lợi nổi dậy làm cách mạng ở Budapest khiến Krushchev phải dùng vũ lực đàn áp một cách tàn bạo. Tại Bắc Việt, Hồ Chí Minh cố chờ cho cuộc cải cách ruộng đất kết thúc với đợt Điện Biên Phủ, mới ra lệnh đình chỉ mọi vụ hành quyết địa chủ, và tháng 10-1956 Trung Ương Đảng Việt Cộng ra nghị quyết "sửa sai". 

Chiến dịch sửa sai được bắt đầu bằng các đợt học tập dành cho Đảng viên về nghị quyết của Hội Nghị lần thứ 20 của Cộng Đảng Liên Xô, đồng thời, báo chí của nhà nước giải thích cho quần chúng về sự thay đổi bên Liên xộ Tiếp theo đó Hồ Chí Minh chọn Trường Chinh và Hồ Viết Thắng làm con vật tế thần (Trường Chinh mất chức Tổng Bí Thư Đảng, và Hồ Viết Thắng mất chức Thứ Trưởng phụ trách cải cách ruộng đất). Mười hai ngàn đảng viên còn sống sót trong tù vì bị kết tội là địa chủ đã được thả ra. Trong số này có nhiều người đã bị kết án tử hình. Hồ Chí Minh đã khóc lóc và đổ tội cho cấp dưới phạm phải sai lầm. Khả năng trình diễn của họ hồ rất cao khiến nhiều người dân miền Bắc tưởng Hồ khóc thật, và ít nhiều tin vào sự vô trách nhiệm của Hồ. 

Trong Hội Nghị thứ 10 của Trung Ương Đảng, Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng đọc một bản thú nhận những sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất. Hội nghị Mặt Trận Trung Ương họp để nghiên cứu các sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất và chính sách sửa sai. Sự sửa sai đưa ra để xoa dịu lòng dân không có nghĩa là chính sách cải cách ruộng đất của Đảng sai lầm, và theo như Võ Nguyên Giáp nhận định trong bản báo cáo lên Trung Ương Đảng thì thắng lợi cơ bản của cuộc cải cách ruộng đất là đã đạt được mục tiêu cốt yếu đề ra, đó là đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ. Những sự sai lầm, theo Đảng nhận định, là do sự "quá tay" của cán bộ, ví dụ như: 

- Phủ nhận thành tích kháng chiến của những người bị đấu tố. 

- Không đoàn kết trung nông, liên hiệp phú nông như đã hứa mà lại đẩy họ vào hàng ngũ kẻ thù. 

- Xử tử oan người ngay, đả kích bừa bãi, tra tấn đàn áp người vô tội.

- Xúc phạm tới tôn giáo.

- Không nhẹ tay với vùng dân thiểu số. 

Hành động "sửa sai" của Việt cộng chỉ là một "sách lược" để đối phó với tâm trạng công phẫn bất mãn của nhân dân, tạo một cơ hội để cho sự công phẫn xẹp xuống, và tránh nguy cơ một cuộc nổi loạn trên toàn miền Bắc. Căn bản của cuộc sửa sai là xác nhận chính sách Cải Cách Ruộng Đất vẫn là đường lối lâu dài của Đảng và Nhà Nước Việt cộng. Nếu có những "sai lầm" trong việc thi hành chính sách, thì đó là lỗi của một vài cá nhân đã "quá tay" làm nhiều người chết oan, và những cá nhân phạm lỗi khiến hàng trăm ngàn người bị chết oan chỉ bị khiển trách một cách tượng trưng, không có ai bị truy tố ra trước tòa án, không có ai phải đền tội một cách đích đáng. Hồ Chí Minh và giới đầu lãnh Việt cộng ngang nhiên coi việc tàn sát giết người là quyền tự nhiên của Đảng, không cần phải thắc mắc, và nếu có giết oan vài chục ngàn người thì chỉ cần đổ tội cho cấp dưới "lỡ tay", và phủi tay xin lỗi với một thái độ hoan toàn vô trách nhiệm. 

Nhưng quần chúng nhân dân miền Bắc không chấp nhận thái độ đó, và họ đã nắm lấy cơ hội "sửa sai" để vùng lên.